Đất nền là loại hình bất động sản “nóng” nhất trong hơn 2 năm dịch Covid-19 và cũng là phân khúc phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt Covid-19 bùng phát.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2022 của Batdongsan.com.vn đã chỉ ra, lượt tìm kiếm đất nền trong quý đầu năm vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trên thực tế, đất nền là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch Covid-19 và cũng là phân khúc phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt Covid-19 bùng phát.
Những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu năm 2020 và 2021, rải rác ở các thời điểm khác trong năm cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm đất tăng mạnh.
Tuy nhiên đất nền một số địa phương miền Bắc, miền Nam có phần giảm nhiệt so với đầu năm 2021. Trong khi đó, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Đắk Lăk, Khánh Hòa, Bình Thuận....
Báo cáo chỉ ra, dù nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá mạnh.
Trong khi đó, thị trường bất động sản cho thuê dù đã hồi phục mạnh trong quý 1/2022 nhưng mức độ quan tâm vẫn chưa trở về mốc trước dịch. Lượng tìm kiếm căn hộ cho thuê giảm 57%, nhà riêng cho thuê giảm 94%, nhà mặt phố cho thuê giảm 84% so với quý 1/2019. Dự báo trong năm nay bất động sản cho thuê sẽ phục hồi khi dịch Covid-19 đã ổn định, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại.
Nhìn chung, lượt tìm kiếm bất động sản trong quý 1/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lại tăng khoảng 2% so với quý 1/2019 (thời điểm dịch Covid-19 chưa diễn ra). Diễn biến này cho thấy bất động sản vẫn rất được quan tâm bất chấp những tác động tiêu cực và kéo dài bởi dịch Covid-19.Nền kinh tế năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm. Lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch Covid-19. BĐS được lựa chọn là kênh đầu tư ưu tiên so với phần còn lại như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm.
Theo Nhịp sống kinh tế