Trong bối cảnh phát triển đường bộ ở trung du và miền núi Bắc Bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như: Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh
Ngày 27/8, phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từ trong 1 đến 2 nhiệm kỳ, sẽ tạo bước tiến rõ rệt về xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tạo đột phá về hạ tầng giao thông
Theo ông Nguyễn Văn Thể, kết cấu hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng.
Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực tăng trưởng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng được quy hoạch theo 5 hành lang vận tải chính, tổ chức hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên, kết nối vùng và thủ đô Hà Nội, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) dựa trên lợi thế từng phân khúc vận tải.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.
Bộ trưởng GTVT nhận định, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường thủy gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững vùng.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai và một số tuyến quốc lộ khác có nhu cầu vận tải; cải tạo, nâng cấp một số ga hàng hoá để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đầu tư kết nối ray tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai; đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống để thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy trên tuyến đường thủy nội địa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bộ GTVT phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai đầu tư các dự án; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng; hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.
Giai đoạn đến năm 2030, Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc: Cổ Tiết - Chợ Bến, tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nghiên cứu triển khai đầu tư các tuyến đường sắt: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng; nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; nghiên cứu bổ sung cảng cạn trên một số hành lang vận tải để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao hiệu quả khai thác của dịch vụ logistics.
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ địa phương hoàn thành đầu tư các dự án; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có nhu cầu vận tải cao như Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình; Mộc Châu - Điện Biên...
"Trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của họ được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không", ông Nguyễn Văn Thể nói.
Để phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất, giao thông phải đi trước một bước. Do đó trong thời gian tới, vùng phải có đột phá về giao thông để kết nối nội vùng với trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội, các cảng biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh và với nước bạn Trung Quốc.
"Để phát triển mạng lưới giao thông Vùng, cần nguồn vốn lớn nên phải huy động tổng hợp nhiều nguồn, nhất là hợp tác công tư", tư lệnh ngành giao thông đề nghị.
"Thổi hồn" cho từng sản phẩm đắc sắc của vùng
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ là hát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Nhật Bắc.
Ông Lê Minh Hoan phân tích nếu chỉ cứ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác.
"Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hoá tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm. Hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cũng theo Bộ trưởng NN&PTNT, nọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc, người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng trong các thôn, bản rẻo cao, tạo dựng sự kết nối gần gũi, thân thiết đến du khách, đến người tiêu dùng. Đây cũng là những điều mà Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và các địa phương khác đang kiên trì theo đuổi và đạt được thành công bước đầu...
Luật hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong kiến nghị cần đổi mới tư duy về liên kết vùng; xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để cụ thể hóa và xác định thứ tự, nội dung ưu tiên thực hiện; nên có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; đi đôi với tạo nguồn lực là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực hiện có.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cũng đề xuất luật hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để không chỉ bảo vệ mà còn khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới.
"Đối với tỉnh, Lào Cai sẽ quyết tâm đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao thương kinh tế; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước; xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch, văn hóa của vùng; phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì cung cấp nguyên liệu ổn định cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước...", ông Đặng Xuân Phong cho hay.
Thắng Quang
Nhà đầu tư