15
06 - 2022
Thị trường bất động sản đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mới?

Với những nhà đầu tư đầy lạc quan, có quá nhiều tín hiệu dự báo thị trường địa ốc sẽ chững lại trong ngắn hạn và chuẩn bị sức bật tăng trưởng mới.

Giá bất động sản neo cao, thanh khoản thấp là lo ngại được đặt ra cho kịch bản trầm lắng của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, diễn biến này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hạn, 3-6 tháng. Thị trường sau đó sẽ quay trở lại chu kỳ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng.

Lý giải nguyên nhân khiến thị trường địa ốc sẽ đối mặt với thách thức trong thời gian ngắn, ông Trần Khánh Quang cho rằng, do có nhiều yếu tố đã tác động làm điều chỉnh thị trường như siết thuế chuyển nhượng, vấn đề trái phiếu của doanh nghiệp… Động thái điều tiết của Nhà nước từ từ hơn so với thời điểm cách đây hơn 10 năm.

Lẽ ra thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian chững lại kéo dài nhưng sự điều chỉnh kịp thời đó đã giảm bớt khó khăn mà lĩnh vực có giá trị vốn hoá này đang trải qua.

Nhìn lạc quan về tương lai, các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều tín hiệu dự báo thị trường địa ốc sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. 

Thị trường bất động sản đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng rực rỡ? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tín hiệu tích cực từ phân khúc nhà ở xã hội

Đầu tiên chính là nguồn cung nhà ở xã hội cùng với gói hỗ trợ kích cầu. Theo dự báo, nguồn cung phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập thấp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi một loạt doanh nghiệp địa ốc công bố kế hoạch chiến lược triển khai dự án.

Đơn cử như Vinhomes công bố sẽ cung ứng 500.000 căn nhà ở xã hội tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…trong 5 năm tới.

Viglacera cũng sẽ đầu tư phát triển các dự án mới, có thể kể đến nhà ở công nhân/nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội); khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ); khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình). 

Các doanh nghiệp trong miền Nam dự tính sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Đặc biệt, đi cùng với nguồn cung loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, gói kích cầu được đưa ra như chính sách cấp trực tiếp 15.000 tỷ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng. Nhiều gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ cũng đang được đề xuất.

Nhìn lại kịch bản thị trường lao dốc giai đoạn 2013, chính nguồn cung nhà ở dành cho người thu nhập thấp và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã góp phần làm ấm lại thị trường. Giao dịch sôi động của loại hình này đã tiếp lửa cho thị trường bất động sản, sau khoảng thời gian dài đóng băng. Và ở hiện tại, sự sôi động của phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới là tín hiệu dự báo thị trường địa ốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phục hồi.

Dự án giao thông được đẩy mạnh triển khai 

Một tín hiệu khác khiến giới chuyên gia kỳ vọng rằng, bất động sản bước vào thời kỳ tăng trưởng rực rỡ đến từ hàng loạt dự án đầu tư công được triển khai. Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều công trình giao thông nghìn tỷ tại các tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện. 

Mới đây, trong phiên họp Quốc hội, đường vành đai 4, vành đai 3 được đề xuất chủ trương đầu tư và nhận được nhiều sự tán thành. Khi 2 tuyến đường này đi vào triển khai, giá đất dọc theo các tuyến đường sẽ nhanh chóng sôi động. Đặc biệt, quy hoạch các khu đô thị ven đường Vành đai sẽ là động lực đẩy thị trường địa ốc tăng trưởng.

Ở thời kỳ năm 2013, hàng loạt dự án giao thông cũng trở thành nhân tố "bẩy" thị trường như dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở và Mai Dịch – Nam Thăng Long với giá trị lên tới gần 6.000 tỷ đồng; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính 4.000 tỷ đồng (Hà Nội), tuyến Metro số 5 trị giá gần 900 triệu Euro (TP.HCM)...

Dòng vốn FDI đổ mạnh

Động lực khác cho thị trường địa ốc chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đến với Việt Nam cũng khiến phân khúc bất động sản công nghiệp hưởng lợi. 

Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI đạt 10,8 tỷ USD (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù chỉ bẳng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là một con số đầy lạc quan. 

Các chuyên gia cho rằng, điều này cũng khiến phân khúc bất động sản văn phòng thêm phần sôi động và đây cũng là xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cách đây 10 năm, dòng vốn FDI tăng mạnh cũng là nguyên nhân góp phần đẩy thị trường phát triển và tăng trưởng.

Việt Khoa

Theo Nhịp sống kinh tế